Sưu tầm từ ngữ địa phương và tiếng lóng miền Nam

(sưu tầm và chú giải của Hà Nhật Tân)

A, Ă, Â

* A ma tơ (tưa): không chuyên nghiệp.
* À nha: được dùng cuối câu, hàm ý cảnh báo. Vd: "Nghỉ chơi à nha".
* Ảnh: anh ấy
* Áng chừng: dự đoán phỏng chừng, không cao về độ chính xác.
* Áp phe: vụ làm ăn
* Ăn hàng: ăn vặt nơi hàng, quán.
* Âm binh: bọn phá làng phá xóm.

B

* Ba chớp ba nháng: nhanh nhảu đoảng.
* Ba đía: người xảo ngôn.
* Ba lá: xuồng ba lá.
* Ba lăm: tức số 35, hàm nghĩa dê xồm.
* Ba lỗ: áo thun ba lỗ

* Ba lơn: tính hay đùa cợt vô thưởng vô phạt; còn có nghĩa là hâm hâm không bình thường.
* Ba trợn: người đáng chê về mặt đạo đức.
* Ba vá: kiểu tóc hớt cho con nít, = ba chỏm.
* Ba xạo: giống nghĩa "xạo".
* Bá cháy: tuyệt vời, hết sảy, = "bá phát".
* Bá phát: xem "Bá cháy".
* Bà chằn lửa: người phụ nữ dữ dằn.
* Bà cố = cụ (bà): là từ chỉ sự nhấn mạnh đi sau tính từ. Chẳng hạn như "ngon bà cố", "hay bà cố", "đẹp bà cố", v.v.
* Bà tám = nhiều chuyện. Vd: "Thôi đi bà tám" = đừng nhiều chuyện nữa.
* Bành ki = bự
* Bạc xỉu: đồ uống bao gồm sữa (nhiều) pha với cafe.
* Banh: vỡ vụn ra.
* Banh chành: bị phá (/ mở, nạy) ra hết cỡ; làm vỡ bung bét ra.
* Banh ta lông: xem "bung ta lông".
* Bành: banh cái gì rộng ra.
* Bả: bà ấy
* Bảnh: sang trọng, đẹp
* Bảnh tỏn = sáu bảnh = đẹp ra dáng.
* Bặc co: đánh nhau. Bặc co tay đôi = đánh nhau tay đôi.
* Bặm trợn: trông dữ tợn, dữ dằn
* Bầm dập: tình trạng thê thảm sau khi bị đánh hoặc trải qua tai nạn, tai ương.
* Bề hội đồng = hiếp dâm tập thể
* Bể = vỡ
* Bển = bên đó, bên ấy.
* Bí lù = không biết đường trả lời, không biết
* Bí xị = buồn
* Bịnh = ốm
* Biệt tích = mất tăm. Vd: "Bỏ đi biệt tích".
* Biểu = bảo (người lớn với người nhỏ)
* Bình thủy = phích nước
* Bít bùng: bị quây kín lại, không cho anh sáng lọt vào.
* Bo bo xì = bơ (làm lơ, không chơi nữa)
* Bỏ [qua] đi tám = cho qua mọi chuyện đừng quan tâm nữa (chỉ nói khi người đó nhỏ vai vế hơn mình)
* Bỏ thí: bỏ và không quan tâm nữa.
* Bồ = người yêu; bạn thân, chiến hữu.
* Bộ ngựa: sập gỗ.
* Bu đen = bâu đen.
* Bung ta lông: giống như banh chành. (Ta-lông là cọng kẽm trong vỏ xe để tăng độ cứng)
* Bùng binh = vòng xoay
* Búa xua = lung tung
* Bụm: dùng bàn tay che lại
* Bụp: đánh / đập [nhau]
* Bửa = bổ
* Bữa = ngày/ hôm. Vd: "Bữa giờ sao mất tiêu vậy?" = mấy hôm nay sao mất hút (không thấy xuất hiện).
* Bự = to
* Bự chảng: rất to, = "chà bá"

C

* Cà chớn: nói năng, hành động quá lố, không mực thước.
* Cà giựt: tính khí/ phong độ không ổn định, thiếu tin cậy.
* Cà lăm = nói lắp.
* Cà nhỏng = vô công rồi nghề
* Cà ràng: loại bếp lò bao gồm nơi nấu với 3 ông táo, gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than.
* Cà rá: nhẫn có mặt.
* Cà rem = kem
* Cà rề = chậm chạp, lề mề.
* Cả rịch cà tang = đủng đỉnh
* Cà rỡn: đùa, bông lơn, đùa cho vui.
* Cà tàng = cũ; hơi tồi tàn, quê mùa
* Cà tưng: nghĩa giống như "nhảy tưng tưng".
* Càn quấy: làm sai và ngang ngược.
* Cạp = cắn
* Cạo đầu khô: nghĩa bóng là hình phạt, la rầy.
* Cẩn = khảm. Cẩn xà cừ = khảm xà cừ.
* Câu giờ: tìm cách kéo dài thời gian; hoãn binh.
* Câu âu; may rủi

* Cẩu: cậu ấy.
* Chả: ông ấy, thằng cha đó.
* Chà bá: to, đập vào mắt.
* Chà bá lửa: nghĩa giống như "chà bá"
* Chàng hảng = dạng háng
* Chạp phô = tạp hoá
* Chạy = chịu thua. Vd: "Nó chạy rồi".
* Chạy có cờ: chạy nhanh, thục mạng.
* Chắc cú = chắc chắn
* Chằn ăn trăn quấn: tính nết dữ dằn.
* Châm chọt = thọc gậy bánh xe.
* Chần dần: nghĩa giống "chình ình"
* Chận họng: chặn ngay họng, không cho nói.
* Chèm bẹp: nằm bẹp, không nhúc nhích được.
* Chèm nhẹp: ướt nhiều và sũng nước. = ướt chèm nhẹp, = ướt nhẹp.
* Chèo queo = nằm co lại (một mình).
* Chén = bát
* Chì: giỏi giang
* Chình ình: nằm ngay trước mắt. Giống "chần dần".
* Chỉ = chị ấy
* Chiên = rán
* Chiểng xùm = oẳn tù tì.
* Chịu = thích/ ưa
* Chọi = ném (đến vị trí nào đó) = đáp
* Chồm hổm = (ngồi) chồm chỗm, ngồi xổm.
* Chơi gác = chơi trội.
* Chơi qua mặt = chơi trội.
* Chua: thêm vô (để giải thích, bổ sung).
* Chùm hum = (ngồi) bó gối hoặc ngồi lâu một chỗ không nhúc nhích, không quan tâm đến ai
* Chung = chén nhỏ
* Chút xíu = một ít
* Chưn = chân
* Chụp giựt = xô bồ
* Có bầu = có chửa
* Coi = xem; coi bộ = xem ra.
* Còn khuya = còn lâu
* Cô hồn các đảng: bọn quậy phá xóm làng.
* Cổ = cô ấy
* Cộ = thồ [hàng]
* Cột = buộc [dây]
* Cơm dừa = cùi dừa.
* Cua gái = tán gái
* Cù lao: doi đất giữa sông; dụng cụ nấu có lõi ở giữa chứa than để nấu sôi và hâm nóng nước lèo ( = lẩu).
* Cù lần = khờ khạo
* Cù nhây: lằng nhằng không chịu dứt điểm.
* Cụng = đụng đầu với nhau. Vd: Bò cụng, cụng ly.
* Cuốc: tua, vòng. Vd: "Mới chạy một cuốc xe" "Nãy giờ làm mấy cuốc (ly uống theo tua)"
* Cưng: cách gọi trìu mến với người nhỏ tuổi hơn.

D

* Dai nhách: rất dai (thường nói về đồ ăn)
* Dầu thơm = nước hoa
* Dây [vô] = dính dáng vô
* Dễ òm = rất dễ, không đáng lưu tâm.
* Dễ thương: đáng yêu; dễ gần.
* Dỉ = dì ấy
* Dĩa = đĩa
* Dùm = [làm] hộ

Đ

* Đá cá lăn dưa: chỉ phường lưu manh.
* Đã = sướng.
* Đã đời = thoả thích
* Đặng = được. Vd: "Qua tính vậy em coi có đặng hông?".
* Đắt: bán đắt hàng, đắt khách.
* Đầm = đằm: tình trạng được giảm lắc, giao động, khiến điều khiển dễ dàng hơn.
* Đầy nhóc = rất nhiều, rất đầy.
* Đen như chà dà (và) = nước da đen bóng.
* Đen thùi lùi = rất đen
* Đẹt: chậm lớn, vóc người quá nhỏ

* Đi cà nhắc = đi thập thễnh = xi cà que.
* Đi bang bang: xăm xăm đi tới
* Đi bụi: đi bụi đời; nghĩa bóng là cái gì đó bị hư, hỏng.
* Đi cầu = đi đại tiện, đi nhà xí; còn có nghĩa là đi lỏng, Tào Tháo rượt.
* Đía: nói dối

* Đồ ăn = thức ăn
* Đồ lô = đồ (vật) đểu
* Đồ uống = thức uống
* Đờn = đàn. Đờn kìm = đàn nguyệt.
* Đục: đấm (vào mặt)
* Đui = mù
* Đụt = trú [mưa]

E, Ê

* Ển: ưỡn bụng (/ngực).
* Ểnh bụng: có chửa.

G

* Gần xịt: rất gần.
* Ghiền = nghiện
* Già dịch = lão già mắc dịch = già dê.
* Già háp: ngụ ý chê bai sự già của ai đó, = già khằn = già cú đế.
* Giả tỷ: chẳng hạn như, giả dụ.
* Giỡn = đùa
* Giỡn mặt = nhờn mặt.
* Gớm = tởm

H

* Hàng ba = hành lang dưới hiên nhà.
* Hạp = hợp
* Hạp cạ = hợp gu.
* Hăm = hăm doạ
* Hằm bà lằng = đủ thứ.
* Hầm = nóng, nực
* Hen: dùng cuối câu, như "nhen".
* Hén: dùng cuối câu, như "nhé".
* Héo queo = héo rũ; ủ dột; thiếu sức sống.
* Hết trơn hết trọi = hết sạch. Hoặc dùng ở cuối câu phủ định để nhấn mạnh. Vd: "Ở nhà không dọn dẹp gì hết trơn hết trọi".
* Hết cỡ = hết nấc
* Hiểm = thâm hiểm
* Hoài: làm cái gì đó nhiều lần, lặp đi lặp lại.
* Hóc bà tó: chỗ xa xôi, cùng tận

* Hồi nẩm: lâu lắm rồi không nhớ ngày tháng ( = hồi đó = ngày xưa).
* Hôn: thường ở cuối câu, có nghĩa tương đương từ "không". Vd: Giỏi dữ hôn?; Làm hôn? Đi chơi hôn?
* Hôm bữa = hôm trước
* Hổm rày = mấy rày = từ mấy ngày nay
* Hông / hổng = không. Vd: "Hổng rảnh" = không rảnh; "Hổng nói" = không nói.
* Hổng chừng = (phỏng đoán) không chừng. Vd: "Hổng chừng chiều nay có mưa".
* Hột = hạt
* Hột xoàn = kim cương
* Hục hặc: đang gây gổ với nhau
* Huề trớt: những logic ai cũng biết, vô thưởng vô phạt.
* Hườm = chờ sẵn, thủ sẵn.

I

* Ịn: in lên, tỳ lên, ướm lên.

K

* Ké: đi ăn theo, chia sẻ quyền lợi, mặc dù lẽ ra không có phần. Vd: "Đi ăn ké" "Xem ké" "Đọc ké" "Đi xe ké" v.v.
* Kẹo = keo kiệt
* Kêu giựt ngược = gọi giật giọng.
* Kết = thích
* Khạp: vật đựng bằng sành giống như chum, nhưng có dạng thuôn gần với hình trụ.
* Khín: đồ thừa. Vd: "Mặc đồ khín".
* Khỉ khô: Dùng trong câu phủ định để nhấn mạnh sự không có. Vd: "Chẳng có cái khỉ khô gì hết" = chẳng có gì.
* Khoái = thích.
* Khoái tỉ = rất thích ( = thích gần chết)
* Khoẻ ru: điều kiện thuận lợi có thể làm được, thoải mái. Vd: "Trời mát, chạy xe về là khoẻ ru".
* Khùng = điên
* Kiệu: vật đựng nước giống như lu nhưng bằng sành và có dáng thuôn dài hơn.

L

* La: trách mắng (người lớn đối với nhỏ)
* Lai rai: cách nói khác của "nhậu".
* Làm biếng = lười
* Làm eo [làm sách]: bắt chẹt, đòi hỏi, bắt phải đáp ứng điều gì.
* Làm láng: làm bất kể.
* Làm lừng: cứng đầu do quen quá không còn sợ nữa.
* Làm màu: làm quá lên, phô trương.
* Làm mướn = làm thuê
* Làm nư: thái độ làm già, cứng đầu, khó bảo.
* Làm phách: tỏ vẻ phách lối.
* Lạc xoong: nghề mua bán ve chai, = đồng nát.
* Láng cón = bảnh bao
* Láng o = nhẵn thín.
* Lạng quạng: trạng thái siêu vẹo khi đi đứng.
* Lắc: một loại vòng đeo tay.
* Lặc lìa = muốn rời ra nhưng vẫn còn dính với nhau một chút.
* Lẳng = lẳng lơ
* Lậm: làm cái gì quá mức bình thường, lạm dụng.
* Lâu lắc = rất lâu (hàm ý trách móc).
* Lẩu: món ăn được nấu nóng trong nước dùng ngay tại bàn.
* Lấy le: khoe điều gì đó để người khác phải thán phục.
* Lầy = bét nhè
* Leo cây = thất hẹn
* Lèo = thất hứa. Vd: "Hứa lèo"
* Lẻo lự: tính hay lý sự, xảo ngôn.
* Lẹo lưỡi: nói nhầm chữ nọ sang chữ kia.
* Lể: lấy dao rạch 1 đường nhỏ và nặn máu ra.
* Lì xì: mừng tuổi bằng tiền cho con cháu.
* Liệng = ném
* Lóc chóc: đứng ngồi không yên, láu táu, nhiễu sự, gây phiền hà đến xung quanh.
* Lóng rày = mấy hôm trước = hổm rày (thời gian gần đây)
* Lộ = đường
* Lộn = nhầm
* Lộn xộn = rối ren, làm rối.
* Lời = lãi
* Lu bu = bận
* Lục đục = không hòa thuận. Còn có nghĩa "làm cái gì đó gây ra tiếng động". Vd: "Làm gì mà lục đục dưới bếp cả buổi vậy?".
* Lu xu bu: nhiễu sự, gây phiền toái, khó chịu
* Lúa = phèn: nhà quê.
* Lú: nhú [lên], nhô [ra].
* Lùi xùi = luộm thuộm, lôi thôi
* Lùm = bụi [cây]
* Lủm: bỏ vào miệng.
* Lụm = lượm

M

* Ma da: hà bá
* Man man: hơi điên, chập.
* Mạnh giỏi = mạnh khỏe
* Mát trời ông địa: (làm cái gì đó) thoả thích.
* Mão: lấy cái toàn bộ, lấy hết. Vd: Mua mão: mua hết, không kể tình trạng, số lượng. Đo mão: đo đại khái, lấy chiều dài đại thể.
* Mắc = đắt
* Mắc dịch: hàm ý rủa kẻ nào đó bị mắc bệnh dịch. "Đồ mắc dịch" là một câu chửi, ý nói mất nết, không đàng hoàng. Nhưng có khi lại là câu nguýt khi bị ai chòng ghẹo.
* Mắc = buồn; Mắc cười = buồn cười; Mắc i***, đái, v.v.
* Mắc địt = dở ẹt; hay chê cái gì đó thậm tệ.
* Măn: mân mê
* Mặt chằm dằm: xem "Mặt chù ụ"
* Mặt chù ụ: mặt nặng ra vì không bằng lòng (mặt sưng sỉa) = mặt chằm dằm.
* Mặt méo xẹo: biểu cảm khuôn mặt biến dạng khi không như ý.
* Mần = làm
* Mập = béo
* Mất tiêu = biến mất
* Mậy = mày
* Mé = phía. Vd: "Nhà ổng ở mé bên kia lộ".
* Mé: cẳt tỉa. Vd: "Mé nhánh cây".
* Méc = mách [lại]
* Mèn đét = trời đất. Mèn ơi = trời ơi.
* Mình ên: (làm cái gì đó) một mình.
* Một hơi = một lèo.
* Mộng dừa: còn gọi là mầm dừa, là phần lõi trắng nằm bên trong khi trái dừa khô bắt đầu mọc cây.
* Một lát = một chốc.
* Một lô một lốc = một lô xít xông
* Mợi = mày ơi. Vd: "Thôi mợi" = thôi mày ơi; "Đi mợi" = đi mày ơi.
* Muỗng = thìa
* Mút chỉ: đã đời. Vd: "Chơi mút chỉ" = chơi đã đời.
* Mút chỉ cà tha: giống như "mút chỉ".
* Mút mùa, mút mùa Lệ Thủy: lâu dài.

* Mủ mỉ: hiền lành, đằm thắm, dễ thương
* Muổng dừa = gáo dừa
* Mừng húm: vui mừng (thường là vận may, hay điều trông đợi)

N

* Nào giờ = từ trước tới nay
* Năn nỉ = khẩn khoản yêu cầu (/nài xin)
* Ngó lơ = làm lơ, nhìn chỗ khác làm như không để ý tới ai đó = phớt lờ.
* Ngào [đường]: đảo trái cây trong đường nóng chảy, = sên [mứt].
* Ngắt = cấu
* Ngặt: tình trạng khó khăn
* Nghen: Dùng cuối câu, hàm nghĩa rủ rê, cầu khiến, tương đương "nghe", "nha".
* Ngộ: lạ, hay hay.
* Ngộp: ngạt, khó thở
* Ngủ nghê: việc ngủ.
* Ngựa: hàm ý nói về sự đua đòi, hư thân mất nết. Vd: "Con nhỏ mới chút tuổi đầu đã ngựa rồi".
* Nha: Dùng cuối câu, hàm nghĩa rủ rê, cầu khiến, tương đương "nghe", "nghen".
* Nhá = dứ, nhứ
* Nhánh = cành [cây]
* Nhà đèn = công ty điện lực.
* Nhà thuốc = hiệu thuốc.
* Nhào [vô] = nhảy (/lao) vào.
* Nhảy tưng tưng: nhảy cẫng lên vì vui mừng.
* Nhậu: tụ họp lại uống rượu.
* Nhậu nhẹt: uống rượu bê tha.
* Nhéo = bẹo (/véo)
* Nhỉu: nhỏ giọt
* Nhóc = nhiều. Vd: "Cây nhãn có nhóc trái".
* Nhột = buồn (khi bị cù, thọt lét)
* Niềng xe = vành xe
* Niểng = ngảnh, nghẹo (cổ).
* Nói trỏng = nói trống không.
* Nổ = nói phét
* Núp = trốn, ẩn
* Nư: thái độ, ý muốn chủ quan cứng đầu và khó chiều. Đã nư: thái độ hả dạ. Làm nư: thái độ cứng đầu, làm già.
* Nước cốt dừa: nước được vắt ra từ cơm dừa nạo.
* Nước lèo = nước dùng
* Nước ròng = nước xuống (thuỷ triều).

O, Ô, Ơ

* Oải: mệt mỏi, nản.
* Oải chè đậu: nản về điều gì.
* Ốm = gầy
* Ốm nhách = gầy giơ xương.
* Ông bà bô = ba má (cách gọi đùa với nhau về các bậc "bô lão" nghiêm khắc).
* Ông bà già = ba má (cách gọi thân mật khi nói về ba má).
* Ớn: cảm giác sợ.

P

* Phào [chỉ] : là vật liệu dạng dải với nhiều loại thiết diện, được dùng trong trang trí xây dựng.
* Phang: đánh mạnh bằng vật cứng.
* Phện: nghĩa giống "phang"
* Phờ râu: cách nói hình tượng của sự mệt. Vd: "Mệt phờ râu", "làm phờ râu", "đạp xe phờ râu".

Q

* Qua: cách xưng của người lớn với người nhỏ tuổi.
* Quá xá = nhiều, rất, quá chừng. Vd: "Đường đông quá xá".
* Quạo = cáu
* Quày [lại]: quay lại.
* Quắc cần câu = ngủ phè. Vd: "say quắc cần câu"= say không biết lối về.
* Quăng = ném.
* Quặng = [cái] phễu
* Quấy = sai. Phải quấy = đúng sai.
* Quần què: tức "quần hoè", là loại quần của phụ nữ dùng cho những ngày tới tháng. Sau thành câu chửi thông tục.
* Quầy = hàng (bán cái gì đó). Vd: quầy đồ chơi, quầy bán sách.
* Quậy = khuấy; quấy phá
* Quẹo = rẽ (về phía)
* Quê = ngượng, xấu hổ.
* Quê một cục: câu chọc quê, = quê xệ.
* Quê xệ = quê một cục.
* Quởn = rảnh rỗi
* Quới nhơn= quý nhân
* Quỷnh: say khướt

R

* Rành = thành thạo, thông thạo
* Rảnh = rỗi rãi.
* Rần rần = gây tiếng động ầm ĩ, ồn ào.
* Rần rần (trong cơ thể) = rần rật, râm ran.
* Rầy = mắng, khiến trách (người lớn với người nhỏ)
* Riết: hoài, liên tục. Vd: "Mua kiểu này riết chắc hết tiền quá".
* Ro ro: nhuần nguyễn, trơn tru. Vd: "Đọc bài ro ro".
* Rốp rẻng = làm nhanh chóng
* Ruột xe = săm
* Rượt = đuổi theo

S

* Sạn: dụng cụ bẹt giống cái xẻng, dùng để đảo, lật trong khi chiên, xào thức ăn.
* Sạp: ô nhỏ, quầy hàng trong chợ để buôn bán hàng.
* Sấp nhỏ = tụi nhỏ, mấy đứa nhỏ.
* Sên [xe] = xích.
* Sên [mứt]= rim ( = ngào đường)
* Sến: làm quá lên so với mức cần thiết, hoặc sặc sỡ quá đáng, hoặc sướt mướt, uỷ mỵ quá đáng.
* Sọc dưa: trạng thái dở dở ương ương, nửa này nửa kia.
* Số dách: nhất, số một.
* Sở làm: nơi làm việc, cơ quan.
* Sụm: khuỵu xuống, đổ xuống.
* Sụm bà chè: cách nói vui của sụm.
* Sung ba khía = hiếu chiến.
* Sườn xe = khung xe.

T

* Tá lả = vung vít; bừa (không chọn lọc).
* Tài lanh: tỏ ra cái gì cũng biết và hay can thiệp vào chuyện người khác.
* Tài khôn: ra cái vẻ khôn khéo, tỏ ra là giỏi giang hơn người.
* Tàn tàn = tà tà: từ từ chậm rãi, không vội.
* Tả pí lù = tạp pí lù: đủ thứ, thể loại.
* Tàu hủ = đậu phụ
* Táp = đớp
* Tấp = đánh túi bụi
* Tấp vô = ghé vào
* Tầy quầy: bừa bãi. Thường chỉ sự dang dở, hư hại. Vd: Nó làm [công việc] tầy quầy.
* Teo bu-gi = sợ gần chết
* Té = ngã
* Tém: làm cho gọn
* Tèm lem = nhem nhuốc
* Tề: cắt cho bằng đầu với nhau.
* Thả giàn: tự do thoả thích
* Thảng: thỉnh thoảng. Thảng thảng = lâu lâu.
* Thảy = quăng
* Thấy gớm = gớm, tởm
* Thầy chạy: chịu thua, bó tay.
* Thèo lẻo = mách lẻo
* Thẻo = xẻo [thịt]
* Thí = bố thí; cho không; miễn phí; bỏ.
* Thí cô hồn: bỏ, xem như bố thí cho cô hồn.
* Thiệt tình: (từ cảm thán): không biết nói sao nữa. Vd: "Thiệt tình, tui nói mà nó đâu có nghe?!"
* Thọt: đụng vào, chọc vào. Thọt lét: bị cù vào nách.
* Thơm = dứa, khóm
* Thở hơi lên: [bực] không thở được
* Thúi = hôi thối
* Thum thủm: có mùi hôi thối

* Thủng thẳng = từ từ
* Thủy cục = công ty cấp nước
* Thưa rỉnh thưa rảng: rất thưa (răng/ tóc...)
* Thương: cảm mến; thích; yêu.
* Tía = cha
* Tiệm = hiệu
* Tòn teng = đong đưa, đu đưa
* Tổ chảng: to, đập vào mắt (nghĩa như "chà bá").
* Tới = đến
* Tới bến = [chơi cho] đã đời, thoả thích.
* Trà = chè
* Trả treo: đối đáp ăn miếng trả miếng.
* Trăm phần trăm = cạn ly/ chén.
* Trật đường rầy = không trúng.
* Trẹo bản họng: nói mãi không đúng.
* Trển = trên ấy.
* Tròm trèm = cũng cỡ, gần tới. Vd: "Tròm trèm 70 tuổi".
* Trỏng = trong đó.
* Trồi [lên]: nhô lên khỏi mặt nước.
* Trời thần: Từ cảm thán. Vd: "Cái thằng trời thần" (trời đánh thánh vật).
* Trời ui ui = trời không nắng và oi oi như sắp mưa.
* Trụi lủi = nhẵn thín
* Trùm sò = keo kiệt
* Tui = tôi
* Tụi = chúng, đám. "Tụi mình = chúng mình" "tụi nó = chúng nó".
* Tùm lum = đủ thứ
* Tùm lum tà la: đủ tứ hỗn độn
* Tức cành hông = tức dữ lắm
* Tửng = chập: điên điên, không bình thường.
* Tỷ như = chẳng hạn, ví dụ như.

U, Ư

* Ù bế: chơi tay đen tay trắng
* Um sùm = om sòm, ầm ĩ; bù lu bù loa.
* Uýnh (oánh): đánh
* Ưng = đồng ý, thích, chịu,…
* Ướt nhẹp: xem "chèm nhẹp"

V

* Vá = muôi
* Ván ngựa = bộ ngựa
* Vỏ xe = lốp
* Vô = vào
* Vô mánh = trúng quả
* Vụ = việc
* Vụt (dục) = vứt

X

* Xa lắc xa lơ: rất xa.
* Xà lỏn = quần đùi, quần cụt.
* Xà quần: loanh quanh lẩn quẩn, bí lối ra.
* Xả láng: thoải mái không lo gì hết.
* Xài = dùng, sử dụng.
* Xàm: nói chẳng đâu vào đâu
* Xảm = nhám
* Xảm ghe: dùng hỗn hợp nhựa cây để trám các khe hở trên ván thuyền, không cho nước thấm vào.
* Xảm xừ = rất nhám
* Xảnh xẹ: điệu và điêu ngoa
* Xạo: không thật thà
* Xạo xự: xảo ngôn.
* Xáp lại: xán lại gần.
* Xắt = cắt
* Xâm xi = ăn may
* Xây chừng: cafe đen (uống ly nhỏ).
* Xây qua: quay qua
* Xất bất xang bang: lao tâm khổ tứ, cực nhọc.
* Xe đò = xe chở khách
* Xe hơi = ô tô con
* Xe nhà binh = xe quân đội
* Xe ôm: hình thức chở khách bằng xe cá nhân.
* Xe thổ mộ: xe ngựa kéo đến đầu thế kỷ 20 ở miền Nam.
* Xẹp lép: vỏ xe bị hết hơi, hoặc tình trạng bụng đói.
* Xẹt qua = ghé ngang qua nơi nào một chút.
* Xi-cà-que: đi thập thễnh. ( = "đi cà nhắc)
* Xi nhê = không ăn thua, không có ý nghĩa gì hết.
* Xí bùm bum: vứt đi, xí chó.
* Xí ngầu = xúc xắc
* Xí xọn: điệu, khoe mẽ và khá đáo để. Đôi khi chỉ sự đua đòi.
* Xía = xen vào, chõ vào [chuyện người khác]
* Xì ke: nghiện, trạng thái giống kẻ nghiện.
* Xỉ = chỉ. Xỉ mặt = chỉ mặt.
* Xỉn = say
* Xiềng: dễ như trở bàn tay Vd: Bài toán này làm xiềng luôn.
* Xiểng niểng = liểng xiểng
* Xiết = xuể. Vd: "Chịu hết xiết" = không thể chịu được nữa. "Không kể xiết" = không kể xuể.
* Xịn = tốt
* Xống chén: nơi úp bát, đũa.
* Xụi lơ = trạng thái không còn sức sống do mệt rũ hay buồn chán.
* Xức [dầu/thuốc]: bôi/ thoa.

Y

* Y chang: giống y như
* Y boong: cùng nghĩa "y chang".
* Yết: chào hỏi người lớn tuổi.
* Ỷ = cậy
* Ỷ y: ỷ lại vào.
* Ỷ ỷ = ẩm ẩm